Cẩm thành mùa hoa

[CTMH] CHƯƠNG 59

CẨM THÀNH MÙA HOA

Tác giả: Vu Vũ
Editor: An
Tieutieudaodaodao.wordpress.com

* * *

Chương năm mươi chín: Cách một con sông

(Hết quyển II)

Sáng sớm, Lưu Hoằng dẫn Trang Dương đến chỗ mẹ Lưu từ biệt, đúng lúc cha Lưu cũng đang ở đó.

Lần đầu tiên Trang Dương gặp mặt người đàn ông kiệt xuất, cao lớn mà anh tuấn, uy nghiêm mà oai hùng này. Ông và Lưu Hoằng rất giống nhau, nhìn ông như thấy được Lưu Hoằng của hơn ba mươi năm sau.

Trang Dương cung kính hành lễ. Cha Lưu ngồi trên ghế, khoan thai nói: “Ta thường nghe A Ngôn nhắc đến cậu, còn nghĩ là một người đàn ông ngoài ba mươi, không ngờ lại trẻ tuổi như vậy, quả thực khiến người ta kinh ngạc.”

Trang Dương trong miêu tả của mẹ Lưu đã săn sóc một nhà già trẻ, thu thuế La hương, thi thoảng sẽ giúp đỡ hai mẹ con nghèo khổ ở bên kia bờ. Một người như vậy nhưng nay cũng mới chỉ mười tám mười chín tuổi.

Mẹ Lưu cười nói: “Cậu hai năm nay mới mười chín nhỉ.”

Trang Dương đáp lời: “Vâng.”

“Ta nghe A Hoằng nói cậu là môn sinh của tiên sinh Tử Mộ, sao cũng không ở lại nước Hán nhậm chức?”

Tướng mạo cha Lưu không giận nhưng vẫn uy nghiêm, mắt ông nhìn thẳng Trang Dương, khiến Trang Dương nghĩ đến mắt ưng, vừa sắc bén mà lại tinh nhạy.

“Cha tôi mất sớm, trong nhà còn có mẹ già em thơ cần chăm sóc, không thể dốc sức vì Minh Công(1).”

Trang Dương cũng chỉ có thể giải thích như vậy. Anh cảm thấy không gạt được ánh mắt nhạy bén của Hán vương.

Quả nhiên, Lưu Dự nói: “Cậu hai đã không chịu làm quan thì ta cũng không thể làm khó cậu.” Xong ông lại đánh mắt nhìn về phía Lưu Hoằng mà dặn dò: “Ân nhân từ xa tới, phải tiếp đón cho tử tế.”

Lưu Hoằng lên tiếng đáp lại: “Vâng.”

Cha Lưu công việc bộn bề, nghĩ đến đêm qua ở lại chỗ mẹ Lưu nên sáng sớm ông đã ở đây. Gặp dịp đối mặt với Trang Dương rồi ông cũng rời đi luôn.

Sau khi cha Lưu đi Trang Dương mới nói với mẹ Lưu hôm nay đến là để cáo từ. Mẹ Lưu khá bàng hoàng, dù sao Trang Dương đến nước Hán mới có ba ngày, sao đã vội đi như vậy. Mẹ Lưu vội vàng sai thị nữ đi lấy gấm vóc châu ngọc muốn tặng cho Trang Dương. Lúc bà ra lệnh cho thị nữ còn không quên liếc Lưu Hoằng.

“Thưa phu nhân, công tử đã tặng tôi vàng rồi, tuyệt đối tôi không thể nhận phần lễ nặng này nữa.”

Trang Dương vội vàng khước từ, chuyến đi đến nước Hán lần này cố tình lại trở thành chuyến vận tải lụa vàng.

“Chỗ nó có thể có bao nhiêu thứ ta còn không biết ư. Năm đó nếu không có cậu hai cứu giúp A Hoằng, còn tìm thầy y cho Lưu Hoằng, chỉ e hai mẹ con ta đã không sống được đến ngày hôm nay để mà hưởng thụ sự vinh hoa phú quý này.”

Mẹ Lưu cố chấp muốn đưa, dứt lời còn lấy khăn tay chấm nước mắt. Những tháng ngày đó thật cơ khổ, mỗi lần nhớ tới lại không khỏi xót xa.
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
Điều này quả thực khiến người ta không thể kiên quyết từ chối. Trang Dương chỉ đành phải im lặng.

Rời khỏi nơi ở của mẹ Lưu, Lưu Hoằng đi đằng trước, Trang Dương theo phía sau. Trên xe ngựa của Trang Dương có thêm hai xấp vải và một rương châu ngọc.

Trang Dương cảm thấy nếu lúc này trở về chỉ sợ nửa đường bị người cướp giết rồi ném xác xuống sông mà làm mồi cho cá.

Cuối cùng Trang Dương cũng chỉ lấy bốn miếng bánh vàng của Lưu Hoằng, chỗ quà của mẹ Lưu đây thì để Lưu Hoằng giữ lại, qua một thời gian sẽ trả lại cho mẹ Lưu.

Buổi trưa Trang Dương lên đường, đến đưa tiễn có Chu Cảnh, Hoắc Dư Kỳ và Lưu Hoằng.

Mặt sông dưới ánh mặt trời lóe ánh vàng lóng lánh. Trang Dương lên thuyền, trên bờ mọi người hành lễ bái biệt. Ánh mắt anh rơi trên người Lưu Hoằng, Lưu Hoằng cũng đang nhìn anh, bốn mắt nhìn nhau. Ánh mắt Lưu Hoằng ôn hòa mà tha thiết, trong lòng Trang Dương dấy lên chút thê lương. Lưu Hoằng mặc một thân quân phục, trên lưng đeo cung tên đeo đao kiếm. Sau khi tiễn biệt Trang Dương, Lưu Hoằng sẽ theo cha Lưu dẫn quân đến Lũng Tây, hộp họp với quân sư.

Trang Dương sẽ trở về với cuộc sống yên tĩnh, quây quần với gia đình, lại tiếp tục với cuộc sống thanh nhàn của anh. Còn Lưu Hoằng xông pha chiến trường, cùng cung tên giáo mác rồi máu lửa giao hòa trong chiến đấu mà trải qua cuộc sống quân binh gian khổ.

Thuyền gỗ chầm chậm lướt sóng, gió nổi lên, lau sậy bên bờ xào xạc.

Hình bóng Lưu Hoằng trên bờ dần nhỏ, dần mờ. Đột nhiên Trang Dương cảm thấy mình có rất nhiều điều chưa nói với Lưu Hoằng, ba ngày bầu bạn cuối cùng thật vội vã. Nhất thời để lại cho anh nỗi thất vọng, âu sầu sâu sắc.
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
Trên đường trở về, đồng hành với Trang Dương là một thương lái gấm Thục, tên là Mục Chinh. Hắn ta làm ăn với các vương công quý tộc nước Hán, có quan hệ rộng rãi, lại nhiều tùy tùng, thường hay qua lại hai vừng Hán Thục cũng không bao giờ sợ cướp bóc.

Mục Chinh được Lưu Hoằng nhờ cậy, tiện đường hộ tống Trang Dương trở về thành Cẩm Quan.

Dần dần, bờ sông bị vực nước ngăn trở, Trang Dương không thể nhìn thấy người tiễn biệt trên bờ nữa.

Ranh giới giữa Hán và Thục cũng chỉ cách một con sông, nhưng dường như lại cách cả hai kiếp người.

Mấy ngày sau Trang Dương trở lại thành Cẩm Quan, xe ngựa vừa mới đến cửa Bánh Trứng đã lao ra đầu tiên. Bánh Trứng phi về phía Trang Dương, vô cùng phấn khởi lè lưỡi liếm tay anh, đuôi vẫy lia lịa. Rồi sau đó là cháu trai chập chững chạy ra, bé con vấp ngưỡng cửa ngã lộn mèo, được Trang Bình bế lên. Trang Bình dỗ bé phải dũng cảm, không được khóc. Theo sau Trang Bình là Trang Lan, chị Lâm Tường và mẹ Trang.

Đến tối, người một nhà quây quần dùng bữa. Trang Dương kể về những điều thấy được trong chuyến đi đến nước Hán. Mọi người đều vô cùng phấn khởi, vì mẹ con Lưu Hoằng, cũng vì Tử Mộ tiên sinh.

Trang Dương đưa cho Trang Bỉnh hai khối bánh vàng, nói cho huynh trưởng hay đây là quà tặng của Lưu Hoằng.

“Huynh trưởng, cầm lấy mang đi đổi tiền, lấy nó làm vốn cho vay, cho các thương lái vay.”

Mặc dù Trang Dương chưa buôn bán bao giờ, nhưng với việc làm thế nào để tiền tài sinh lời anh lại hiểu không ít, huống hồ năm đó cha Trang cũng là một người cho vay. Ông cho người khác vay tiền và thu tiền lãi.

Trang Dương tự giữ hai miếng bánh vàng còn lại, sẽ dùng để đối phó với cuộc sống có thể có khó khăn sau này.

Trang Dương trở lại thành Cẩm Quan, Lưu Hoằng đi Lũng Tây. Dọc đường thấy những làng mạc bị giặc cướp càn quét, thây xác đầy đường, nhà hoang cháy rụi.

Lưu Hoằng xuống ngựa, thấy người đã chết dáng vẻ thê thảm, mà người còn sống sắc mặt vàng vọt, sống dở chết dở. Lưu Hoằng lệnh cho thuộc hạ hỏi thăm những người còn sống, hỏi là kẻ nơi đâu phạm việc hung ác.

Không lâu sau binh lính quay lại bẩm báo: “Thưa đại soái, đêm qua một toán quân Lưu Mạo hơn ba mươi người đi ngang qua nơi đây, đã đốt phá giết người cướp bóc.”

Năm đó khi triều nhà Tín còn hùng mạnh đã từng hàng phục quân Hồ và an bài ở đây. Sau đó thiên hạ đại loạn, nơi này mất kiểm soát đầu tiên, rồi sau đó ba thế lực chiếm cứ nơi này, nhiều năm giết hại lẫn nhau, bách tính chịu đủ tàn hại.

“Quân Lưu Mạo đều là kỵ binh, lại có trang bị hoàn hảo.”
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
Hoắc Dư Kỳ nghe binh lính bẩm báo, vội vàng leo lên đài đất(2) góp lời. Lưu Dự, Lưu Hoằng đứng trên đó. Lưu Hoằng nhìn ra bình nguyên bao la và đồi núi xa xa, đất trơ khắp chốn, hiếm nơi có chút sắc xanh. Nơi đây đang phải chịu nạn hạn hán.

“Ta nghe nói, Lưu Mạo hành quân không chuẩn bị sẵn lương thực, dung túng thuộc hạ đi đến đâu cướp chỗ đấy, thiết nghĩ dân chúng oán thán đã lâu.”

Lưu Hoằng hiểu rất rõ kẻ địch khắp bốn phương.

“Để quân sĩ nghỉ ngơi bắc bếp sớm, tối nay canh gác.”

Lưu Dự ra lệnh, tướng sĩ nhận mệnh rời đi.

Đội kỵ binh của Lưu Mạo xuất hiện ở nơi này không phải là điềm tốt lành. Nhưng Lưu Dự cũng không sợ cái thứ gọi là kỵ binh có trang bị hoàn hảo, ban đêm đề phòng đánh lén là được.

Đêm nay, quân Hán hạ trại ngay tại thôn xóm bên ngoài bờ sông.

Lưu Hoằng ở trong lều cha Lưu nghị sự cùng các tướng sĩ, đến đêm khuya mới trở về lều vải của mình. Lưu Hoằng đứng dưới ánh trăng, lại thấy có hai binh lính đuổi theo một người quần áo rách rưới. Lưu Hoằng đi đến hỏi binh lính có chuyện gì xảy ra.

“Tướng quân, kẻ này đến xin ăn, đã nói với cô ta là không có vậy mà còn ăn vạ không đi.”

Nương theo ánh trăng, Lưu Hoằng thấy rõ đây là một người đàn bà gầy nhom, đầu rối bù mặt mày nhem nhuốc. Nhìn kỹ lại, trong lòng cô ấy còn đang ôm một đứa trẻ, đứa bé yếu ớt khóc nỉ non. Người phụ nữ quay sang nhìn Lưu Hoằng, chìa đứa bé về phía hắn, lại cầu khẩn điều gì đó. Lưu Hoằng nghe không hiểu lời cô ta nói.

“Tướng quân, chúng tôi lôi mụ điên này đi ngay.”

Binh lính cảm thấy khó xử, đang muốn giải vây cho tướng quân không ngờ tướng quân lại nói: “Trong lều của ta còn một bát kê, mang ra cho cô ấy ăn đi, đừng làm khó cô ấy.”

Lưu Hoằng để binh lính vào lều của hắn mang cơm ra. Lại nhìn đến áo quần của cô không đủ che thân nên lại tự đi lấy một cái áo ngắn ra đưa cho cô. Người đàn bà nhận lấy cơm với áo quần, cô ta quỳ sụp xuống nói tạ ơn xong mới rời đi.

Lưu Hoằng vào lều nghỉ ngơi, nhưng lại không ngủ được, trong tâm trí đều là tình cảnh thê thảm mấy ngày nay trông thấy.

Nếu là cậu hai nhìn thấy cảnh làng mạc gặp cảnh cướp giết hôm nay, nghe được tiếng than khóc của những người còn sống kia, hẳn cậu sẽ rất khổ sở; và nếu cậu hai thấy cảnh hai mẹ con ấy, chắc chắn cậu sẽ vươn tay giúp đỡ.

Tinh mơ, trước khi quân Hán rút trại và đội ngũ hùng dũng vượt qua lòng sông khô cạn, Lưu Hoằng lại nhìn thấy một người đàn bà bế một đứa bé đang đứng một bên dõi mắt nhìn theo. Cô nhận ra Lưu Hoằng, Lưu Hoằng cưỡi một con ngựa trắng, được chúng sĩ vây quanh, áo giáp của hắn là hoa lệ nhất, rất dễ phân biệt.

Lưu Hoằng trong khi hành quân sẽ không mang theo tiền của trên người, hắn giựt một viên trang sức bằng vàng bên hông xuống, thuận tay ném cho người đàn bà.

Hai ngày sau, quân Hán hội họp, đại chiến với quân Lưu Mạo, có thắng có bại. Vài ngày sau, quân Hán lui binh.

Trên đường lui binh, Lưu Hoằng đi theo con đường qua thôn xóm đóng quân ban đầu, đồng thời lúc băng qua con sông rộng mà cạn khô hắn lại thấy các binh sĩ đi trước dừng bước, như phát hiện ra điều gì. Lưu Hoằng tiến lên, hỏi có chuyện gì xảy ra. Đại Xuân đã ra dáng một kỵ binh đáp: “Công tử, là một đứa trẻ, thật là đáng thương!” Lưu Hoằng đi lên, thấy một người phụ nữ đã chết, còn có một đứa bé đang nằm khóc bên cạnh. Trên người đứa bé kia được bao bởi y phục quen mắt, chính là chiếc áo ngắn của Lưu Hoằng.

Đứa bé đói bụng tựa như chỉ còn lại một đôi mắt to, nó quơ tay về phía Lưu Hoằng. Lưu Hoằng cúi người ôm lấy đứa bé, gọi một lão binh phụ trách bếp núc đến, lão binh ấy dẫn theo vợ đi. Lưu Hoằng đưa đứa bé giao cho vợ của lão binh, để bà chăm sóc cẩn thận.

Đứa trẻ này đã mọc răng sữa, cũng đã bi bô tập nói. Vợ lão binh lau chùi, thay quần áo cho đứa bé. Nói với Lưu Hoằng nó đã được một tuổi, là một bé trai.

“Tướng quân, người đã cứu nó, vậy hãy ban cho nó một cái tên đi.”

Đại Xuân đùa với đứa bé, thỉnh cầu thay cho nó.

“Vậy gọi nó là Lưu Hà đi.”

Lưu Hoằng không suy nghĩ nhiều, cho đứa bé dùng luôn họ của mình, bởi nhặt được bên bờ sông, vậy đặt luôn cái tên với chữ Hà.

Suốt cả một đường Lưu Hà được người vợ của lão binh bế, ngồi trên xe truy chở lương thảo.

Vợ lão binh đút cháo cho nó, mất mấy ngày nó mới khỏe mạnh lại, làm một đứa trẻ hoạt bát, đáng yêu.

Quân Hán chiến đấu gian khổ ở Lũng Tây đã lâu. Đến mùa thu mới dẹp tan đội quân Lưu Mạo, đánh bại tộc Địch(3).

Lúc trở lại Trường An, nơi hồ nước bên vườn Thượng Lâm, lá đỏ đã chao bay.

Lưu Hoằng một mình cưỡi ngựa đi tới ven hồ. Hắn nhớ Trang Dương.

Ngày thu, Trang Dương ở thành Cẩm Quan nhận được thư do thương lái đưa tới. Trong thư Lưu Hoằng báo cho anh hay quân đội của họ đã dẹp xong tộc Địch ở Lũng Tây, tiêu diệt thế lực của Lưu Mạo. Hơn nữa còn nhắc đến chuyện hắn nhận nuôi một đứa bé.

Trang Dương hồi âm, báo cho Lưu Hoằng hay anh ở đất Thục nhậm chức học quan(4), cuộc sống bình yên. Còn cả mùa thu này, vợ của Đại Xuân đã hạ sinh một bé gái, nhắn Lưu Hoằng báo cho Đại Xuân hay.

Cất trục lụa vào hộp gỗ, Trang Dương đưa cho thương lái Mục Chinh. Mục Chinh buôn bán qua lại Hán Thục, một năm đi đi lại lại mấy bận, vừa hay làm người truyền thư cho Lưu Hoằng và Trang Dương.

Đích thân tiễn Mục Chinh ra ngoài cửa xong Trang Dương trở vào trong sân, lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Trang Dương đến phòng vợ của Đại Xuân nhìn xem, thấy Trang Lan đang ôm đứa bé dỗ dành, vợ Đại Xuân mệt mỏi dựa đầu giường. Vợ Đại Xuân thấy Trang Dương vào, cô vội vàng muốn đứng dậy nói tạ ơn, nhưng Trang Dương ngăn lại.

Vợ Đại Xuân cần mẫn, nhà họ Trang cũng đối xử với cô rất tốt.

“Cậu hai đã dặn luộc hai quả trứng gà cho Xuân tẩu bồi bổ đây.”

Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên, bước từ cửa vào là một thiếu nữ, dáng vẻ khoảng tầm mười sáu mười bảy, dung mạo dịu dàng.

Thiếu nữ bưng bát đến bên vợ Đại Xuân, tự tay đút cho cô. Vợ Đại Xuân nói: “Vậy không được đâu, để tự tôi làm được.”

Thiếu nữ nói nhỏ: “Xuân tẩu cứ để tôi làm cho, cơ thể chị đang yếu.”

Trang Dương ra khỏi phòng đi vào sân, Trang Lan cũng ra theo, nói với Trang Dương: “Tế Quyên thùy mị như vậy, huynh trưởng có thích cô ấy chứ.” Trang Dương không còn vỗ nhẹ đầu Trang Lan như hồi Trang Lan nghịch ngợm khi còn bé mà anh chỉ nghiêm nghị nói: “Không được nói lung tung.”

Thiếu nữ dịu dàng ấy tên là Tế Quyên. Trang Dương nhìn thấy cô bị đám buôn người đánh đập ở chợ nô lệ đáng thương quá nên đã mua lại cô. Bởi vậy Tế Quyên chỉ hầu hạ bên cạnh Trang Dương.

Hết quyển 2.


Tác giả có lời muốn nói:

Cảm ơn (づ ̄ 3 ̄)づ

Chú thích:

(1) Minh Công (明公) Tên gọi danh dự của những người nổi tiếng thời xưa.

(2) Nguyên văn thổ đài (土台) là một phần kiến trúc của Trung Hoa cổ đại. Nó là nền của các cung điện, lầu các. Có thể là mượn địa thế cao tự nhiên để xây dựng hoặc cũng là tự đắp lên. Chiều cao trung bình từ khoảng 5 – 15m, đài đất cao nhất là 20m. Diện tích bề mặt khoảng 90 – 260 m2.

đài đất CTMH59

(3) Dân tộc Địch, dân tộc thời cổ ở phía Bắc Trung Quốc.

(4) Nguyên văn 学官: Chức quan thời xưa ở Trung Quốc, phụ trách các vấn đề học thuật và cũng là phu tử dạy học.


4 thoughts on “[CTMH] CHƯƠNG 59”

  1. Tui đoán không nhầm thì Lưu Hà chính là đứa bé được Trang Dương bồng ở phần mục lục.Nói không chừng sau này nó còn là người kế nghiệp Lưu Hoằng khi hai anh ở với nhau nhưng ko sinh được con.Xuất hiện thêm nhân vật Tế Quyên,ko biết cô nàng có chót say Trang Dương ko?Trang Dương có số đào hoa ghê,người đâu vừa đẹp vừa dịu dàng,bảo sao cả nam lẫn nữ đều mê mẩn anh🙂🙂

    Liked by 4 people

Khách quý có gì muốn nói ( ◜◡‾)(‾◡◝ )