Cẩm thành mùa hoa

[CTMH] CHƯƠNG 9

CẨM THÀNH MÙA HOA

Tác giả: Vu Vũ
Editor: An
Tieutieudaodaodao.wordpress.com

* * *

Chương chín: Người làm thuê*

* Giải thích tiêu đề

Nguyên văn: Tá điền – chỉ những người nông dân không có ruộng sở hữu mà phải đi mướn ruộng.

Ông Dịch đánh xe ngựa, chở Trang Dương đi đến La hương ở phía Đông Trúc lý. Trên đường đi thấy nhà cửa dọc đường trồng đủ loại hoa, có hoa phù dung, hoa sơn trà, còn có cả ngọc lan. Ngọc lan, sơn trà nở hoa đầy cành.

La hương đất đai màu mỡ, hàng ngàn mẫu ruộng đồng phì nhiêu, đa phần là trồng lúa nước.

Trang Thọ là cha của Trang Dương, trước khi tạ thế ông có gần trăm mẫu ruộng ở La hương, đến nay cũng có hơn mười hộ nông dân mướn ruộng cày. Đây cũng là nguồn lương thực của nhà họ Trang.

Trang Thọ là thương nhân, khi còn sống mua quan bán chức, nên nhà họ Trang có xe ngựa, có thể mặc đồ tơ lụa. Sau này, thiên hạ sụp đổ, hoàng đế bị sát hại ở Đại Đô1, các thế lực tranh giành giằng co, chẳng ai quan tâm đến thương nhân làm cái gì.

Trời xuân, Trang Dương đến La hương để xem tình hình các nông dân trồng trọt chứ không phải đến thu tô2. Suy cho cùng, một năm được hay mất mùa cũng phải xem việc gieo cấy vào vụ xuân.

Trang Dương áo dài tay rộng, tóc dài búi lên có gài một cây trâm bạch ngọc. Tướng mạo anh đoan trang thanh lịch, tựa như con cái nhà quan. Xe lộc cộc đi cả đoạn đường, ngựa hí vang, làm biết bao thiếu nữ dân quê chú ý.

Dựa vào một góc trong xe, Trang Dương quan sát thấy đoạn đường này phồn hoa tươi đẹp, các thiếu nữ thướt tha trước cửa viện, nhưng chẳng làm dậy lên hứng thú của anh. Trong mắt một thiếu niên xinh đẹp, so với người con gái đẹp thì thà ngắm hoa vẫn hơn.

Xe ngựa đến địa phận nhà họ Trang. Trang Dương xuống xe đi bộ lên triền núi, thấy khắp ruộng đã được gieo hoa màu. 

“Cậu hai, xem ra đã gieo hết rồi, năm nay mưa đủ, hoa màu sẽ phát triển tốt.”

Ông Dịch đã nhiều năm hầu hạ nhà họ Trang, từ đời ông đến đời cháu một nhà đều làm người hầu nhà họ, tất nhiên thu nhập của nhà chủ có ảnh hưởng lớn đến gia đình ông.

“Đi xuống xem chút.”

Trang Dương đã đến kiểm tra thì sẽ không liếc mắt qua loa. Tuy rằng anh thích nhàn nhã nhưng tính cách chẳng hề lười biếng, anh biết nguồn thu nhập của gia đình cũng chính là lý do để anh có một cuộc sống nhàn hạ.

Đi dọc theo bờ ruộng, Trang Dương đi trước ông Dịch đi sau, mọi người nông dân ở đây đều biết Trang Dương, họ ngừng việc đang làm lại mà lại gần chào hỏi.

“Năm nay đã đẻ thêm đứa nữa rồi?”

Trang Dương trò chuyện với nông dân, anh để ý có một người phụ nữ làm cỏ ở ruộng, nàng địu một đứa trẻ trên lưng.

“Thêm một bé gái ạ.”

Người nông dân khom người đứng bên, khá là cung kính với Trang Dương.

“Nhà có mấy đứa?”

“Bốn đứa.”

“Có thể làm ruộng không?”
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
“Dạ có, đứa lớn đứa hai có thể giúp một tay.”

Gia đình người nông dân này họ Thời, Trang Dương nhớ hồi bọn họ tới La hương là sáu năm trước, từ người lớn đến con nhỏ quần áo đều không đủ che thân. Huynh trưởng Trang Bỉnh cho bọn họ thuê ba mẫu ruộng, cấp nông cụ, gạo và nhà ở, không những thế còn miễn tiền thuê năm đầu.

Sau đến khi Trang Dương tiếp nhận quản lý nông dân ở La hương, anh cho lão Thời năm mẫu ruộng, nhà họ đều là người cần cù chịu khó, làm từ sáng sớm mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn rồi mới nghỉ.

Ruộng nhà họ Trang là thu tô thấp nhất ở trấn La, nhiều nông dân thuê, cũng không còn ruộng trống. Nếu không có thể cấp ruộng cho hai mẹ con Khuyển Tử. Trái lại ruộng đất ở Trúc lý cằn cỗi bạc màu, đất đai ven sông lại toàn cát với vỏ trai vỏ sò, có lẽ ngày xưa sông Di Thủy rất rộng.

Rời khỏi khu vực của nhà họ Thời, Trang Dương đi tới một mảnh ruộng mọc đầy cỏ dại, thậm chí thân lá gốc lúa còn ố vàng vì thiếu nước, đây là một mảnh ruộng không được chăm sóc.

“Ông Dịch này, đây là ruộng nhà Chu Quý thuê à?”

Trang Dương có chút nghi ngờ, vợ chồng Chu Quý tương đối chịu khó, sao lại để ruộng thành như vậy.

“Đúng là vậy cậu hai, để tôi đi nói với hắn, nếu như không muốn làm nữa thì để cho người khác.”

Ông Dịch vốn cũng là nhà nông, cảm thấy lãng phí hoa màu như vậy thật tệ quá.

“Trước không vội, xem nhà họ sau cũng được.”

Để chốc lát cũng không muộn, mẫu ruộng này coi như bỏ, chỉ có thể thiêu đi trồng lại.

Mất cả buổi Trang Dương mới đi xem hết ruộng đồng, anh nhớ ruộng từng nhà từng hộ, cũng ghi chép lại sổ sách. Mười bốn nhà nông, ngoại trừ Chu Quý ra thì còn lại đều chăm sóc hoa màu rất tốt.

Đầu chiều, đi qua bờ ruộng, cỏ đuôi chó đung đưa, gió mát phả vào mặt. Trang Dương dừng lại bên dòng suối, rửa tay lau mặt, anh ngẩng đầu nhìn đồng ruộng mênh mông và cả núi xanh mây trắng phía xa xa mà tâm tình khoan khoái, dù hai chân anh đi đến nhức mỏi, mồm miệng khô khốc.

“Ông Dịch còn đi được nữa không?”

Trang Dương nghỉ chân trên cầu đá xanh, tôm cá dưới suối bơi lội qua bụi rong, khe đá.

“Lão3 còn đi được, cậu hai có đói bụng không?”

Trên xe ngựa có nước và lương khô, xe ngựa gửi ở nhà người nông dân, từ đây trở về cũng không xa.

“Con không đói, chỉ hơi khát thôi, cũng không sao, đi đến nhà Chu Quý trước đã.”

Trang Dương không uống nước suối, dù trông nước trong vắt. Phía trước chính là nhà Chu Quý, có nhà thì sẽ có giếng, đến đó có thể xin uống ngụm nước.
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
Mặc dù không đến nỗi không phải động tay chân, ngũ cốc không biết phân biệt, nhưng cũng quen sống trong nhung lụa, Trang Dương lê đôi chân mỏi nhừ theo ông Dịch đến nhà Chu Quý.

Vợ chồng Chu Quý còn trẻ, nuôi một đôi trai gái, hai vợ chồng nhà này cũng chịu khó như các gia đình nông dân thuê ruộng nhà họ Trang khác.

Tới nhà họ Chu, là một ngôi nhà nông bình thường, trước cửa chất đầy rơm rạ, mấy con lợn còi nhom nằm trong sân phơi nắng.

Ông Dịch đến gọi cửa có ai ở nhà không?

Con gái nhà họ Chu đi ra, đứa bé này còn nhỏ, chỉ khoảng năm, sáu tuổi.

“Tìm cha cháu ạ?”

“Cha con có ở nhà không?”

Con bé lắc đầu, rồi tò mò nhìn Trang Dương.

Ông Dịch vào trong nhà, gọi tên Chu Quý, nghe thấy giọng một phụ nữ yếu ớt từ trong phòng truyền ra.

Trang Dương khom người xin đứa bé ít nước. Con bé gật đầu chạy vào trong bếp, không lâu thì ra, bàn tay đen nhẻm cầm cán gáo múc nước, nó múc đầy một gáo, nhưng đi được tới chỗ Trang Dương thì nước đã sánh ra cả đoạn đường, chỉ còn có nửa gáo.

“Ngoan lắm.”

Trang Dương xoa cái đầu rối bù của con bé, nhận lấy gáo nước.

Uống cạn nửa gáo nước, Trang Dương khẽ lau miệng, hỏi con bé cha nó đi đâu rồi. Con bé đáp: “Cha đi vắng rồi.”

“Thế anh trai đâu?”

“Anh lên núi.”

Nghĩ sẽ chẳng hỏi được gì, Trang Dương đứng yên ở sân, chờ ông Dịch đi ra.

Ông Dịch nhanh chóng đi ra, nói với Trang Dương là vợ Chu Quý ốm đau, mấy ngày trước mưa, Chu Quý đi ra suối gánh nước không cẩn thận té ngã bị thương ở chân.

“Thế Chu Quý đi đâu rồi?”

“Nghe bảo đi vay lương thực.”

Trang Dương đến làm rõ tình hình, nếu đúng là vậy thì cũng không thể trách cứ bọn họ bỏ bê việc đồng áng.

Chờ trong sân một lúc mới thấy Chu Quý khập khiễng bê một cái khay sành về, trong khay có đựng hạt đậu.

Thấy Trang Dương, Chu Quý vô cùng hoảng hốt, lắp ba lắp bắp nói chuyện.

Trang Dương hỏi đã đi tìm đại phu xem chưa, có thể lành lại bình thường không. Chu Quý đều bảo có, có thể.

“Năm nay giảm một nửa, tính anh mười hai thôi. Chăm sóc vợ cho khỏi bệnh thì nhanh chóng xem làm lại ruộng, trồng đậu hay dưa gì đó cũng được.”

“Tạ ơn cậu hai.” Chu Quý vô cùng cảm kính, khom lưng hành lễ.

Ruộng của mình mà nộp tô lên cho quan phủ thì cũng gần hai phần mười.

“Không có gì.”

“Ông Dịch này, cấp cho chú ấy một trăm văn tiền để mua giống mua mạ.”

Trang Dương không mang tiền trong người mà để ông Dịch cầm.

Bây giờ tuy Trang Dương đã hết khát nhưng lại đói bụng vô cùng, chỉ muốn nhanh chóng rời đi.

Xử lý xong xuôi chuyện của Chu Quý, Trang Dương và ông Dịch mới leo lên xe ngựa đi về. Ông Dịch bảo: “Cậu hai, hay là ở nhà nông dân ăn một chút?” Trang Dương há mồm cắn một miếng bánh trứng thật to, cười nói: “Không sao ạ, về sớm một chút đỡ để mẹ con lo lắng.”
Truyện được đăng tại Tieutieudaodao.wordpress.com
Hôm nay ra ngoài đã lâu, khi về tới nhà e là trời đã tối muộn.

Hôm nay anh không ở Trúc lý, cũng không biết Trang Lan lại đi lang thang khắp nơi hay không.

* * *

Trời vừa sáng, Trang Lan đã chạy sang nhà Khuyển Tử.

Khuyển Tử dùng dây chão thắt lại, tròng quanh cổ và một cái chân trước của lợn con lại rồi thắt nút, xong buộc lợn con vào một cái cây nhỏ trước nhà.

Lợn con kêu ụt ịt đầy bất mãn. Khuyển Tử dùng một cái chậu sành mẻ nấu thức ăn cho lợn rồi bưng đến trước con lợn con, lợn con ủi mũi, ăn như hổ đói.

“Khuyển Tử huynh, phải xây chuồng lợn cho nó.”

Trang Lan đang ngồi xổm bên cạnh xem lợn con ăn.

Khuyển Tử ra bờ sông gánh nước tưới ruộng đậu, đậu của nó đã mọc dài, lá xanh tươi tốt.

“Khuyển Tử huynh có nung gạch không?”

Trang Lan từng thấy người ở Trúc lý nung gạch xây chuồng lợn, có điều trông thật là rắc rối, còn phải làm một cái lò nữa.

“Không biết.”

Khuyển Tử cầm gáo hồ lô múc nước tưới vào gốc cây đậu.

“Khuyển Tử huynh này, thế lợn con sẽ ngủ ở đâu?”

Trang Lan xoa đầu lợn con, cái tai to của lợn con đung đưa.

“Dựng chuồng trúc.”

Tuy rằng cảm thấy Trang Lan lắm lời, nhưng Khuyển Tử vẫn trả lời các câu hỏi của cô bé.

“Để muội giúp huynh, muội sẽ chặt trúc.”

“Không cần.”

Tưới hết thùng nước, Khuyển Tử lại ra sông múc nước tiếp, để lại Trang Lan một mình lải nhải với lợn con.

Buổi trưa, A Bình và A Ly học xong cũng chạy sang bờ tây. A Ly theo A Bình và Trang Lan, cũng gọi Khuyển Tử là “Khuyển Tử huynh”. Lập thành một nhóm lớn, điệu bộ đối đầu với anh em nhà họ Chương.

Khuyển Tử đến núi trúc chặt trúc, theo sau làm một đám lăng xăng. Khuyển Tử chặt cây, A Ly và Trang Lan vác xuống núi, A Bình học chèo xuồng, mang trúc về nhà Khuyển Tử ở bờ tây.

Lượng trúc cần đề dựng chuồng lợn không ít, bốn đứa trẻ bận rộn ríu rít ở rừng trúc sau viện nhà họ Trang. A Hà thấy vội vã báo với bà chủ, mẹ Trang đi ra nhìn xuống, gọi A Dịch để ý cẩn thận, tránh có chuyện xảy ra.

A Dịch còn trẻ, cũng chỉ lớn hơn mấy đứa kia một chút, để nó đi theo nhìn trái lại nó còn nhập bọn chơi cùng tụi nhỏ, hướng dẫn Khuyển Tử đào móng, buộc khung trúc.

Trang Dương về từ La hương, vừa hay thấy đám trẻ con bên bờ Tây dựng chuồng trúc, vô cùng náo nhiệt.

Trang Dương xuống xe ngựa, đi qua cầu gỗ tới trước chuồng trúc. Thấy A Lan đang vót thanh trúc, A Bình thì khiêng thanh trúc, Khuyển Tử bám trên giàn giáo trúc để cột rào, A Ly và A Dịch thì đứng dưới hỗ trợ dựng thẳng rào.

Từ trong chuồng có một con gấu trúc lao ra về phía Trang Dương, chó nhỏ lông vàng đang nằm bò trên mặt đất nhìn thấy cũng ngay lập tức nhổm dậy vẫy đuôi với Trang Dương. Trang Dương còn nhìn thấy một con lợn con buộc dưới tàng cây, đang nhìn về ngôi nhà mới của mình mà kêu ụt ịt.

“Huynh trưởng!”

Ngoài gấu trúc và chó con ra thì Trang Lan là đứa nhỏ đầu tiên phát hiện ra Trang Dương, cô bé hô lên một tiếng “Huynh trưởng!” thì sau đó mấy đứa khác cũng gọi theo liên tiếp, A Ly với A Bình đều gọi Trang Dương là huynh trưởng.

Khuyển Tử ngồi trên giàn giáo, từ trên cao nhìn xuống đánh giá Trang Dương, nó thấy Trang Dương mặc áo lót bên trong màu thạch lựu và khoác ngoài một tấm trường bào có hoa văn hoa mỹ, còn có khóe miệng xinh đẹp của anh đang mỉm cười hết sức ôn nhu.

Ở Phong lý chưa từng thấy ai ăn mặc hoa mỹ lại còn đẹp như vậy, Khuyển Tử không tự chủ mà nhìn chăm chăm.


Chú thích:

(1) Đại Đô là tên gọi cũ của Bắc Kinh vào thời nhà Nguyên (1271–1368), cũng là thủ đô thời đấy.

(2) Tô: Thuế ruộng.

(3) Nguyên văn: 小老儿 – Tiểu lão nhi, cách nói khiêm tốn.


4 thoughts on “[CTMH] CHƯƠNG 9”

Khách quý có gì muốn nói ( ◜◡‾)(‾◡◝ )